1. Chỉ chăm chăm vào món mình thích
Một số phụ huynh vì thấy con quá yêu thích một món ăn nào đó mà cố tình làm riêng, để dành cho con ăn nhiều hơn và không cần nhường ai cả. Tuy là hành động yêu thương con nhưng vô tình có thể dẫn đến một thói quen xấu cho trẻ.
Trẻ nhỏ sẽ dễ hiểu lầm rằng bản thân có quyền được ăn bất kì món gì mà mình muốn và không có ai sẽ giành của mình. Với suy nghĩ này, dễ khiến trẻ trở nên ích kỷ, chỉ chăm chăm vào món mình thích sẽ bị đánh giá là một đứa trẻ ham ăn, không được người lớn dạy dỗ.
2. Chen ngang khi người khác gắp thức ăn
Chen ngang khi người khác gắp thức ăn cũng là một thói quen xấu mà trẻ cần sớm loại bỏ. Phụ huynh nên dạy cho con biết cách chờ đợi đến lượt mình, không được chen ngang người khác. Giải thích cho con hiểu đây là một hành động thô lỗ, kém lịch sự và có thể khiến người khác cảm thấy khó chịu.
Trong trường hợp nếu dĩa thức ăn ở quá xa, trẻ nên nhờ người lớn lấy thức ăn giùm mình để đảm bảo lịch sự, không gây rơi vãi đồ ăn.
3. Chê đồ ăn
Không ít đứa trẻ sẽ cảm thấy khó chịu, không vui ra mặt khi trong bữa ăn không có món mà mình yêu thích. Một số trẻ còn có thái độ chê đồ ăn, hờn dỗi và không muốn ăn, đây là một thói quen xấu cần loại bỏ.
Bố mẹ nên là người dạy cho con biết ơn và tôn trọng đồ ăn mà người khác đã nấu cho mình ăn vì để làm ra món ăn thì người đầu bếp đã phải vất vả ra sao.
Nếu không được dạy dỗ, khắc phục thói quen xấu này, trẻ khi lớn lên sẽ có thể coi nhẹ công sức người khác, trở nên trịch thượng.
4. Bới tung đồ ăn để chọn miếng ngon
Không ít trẻ nhỏ kén ăn, có thói quen bới tung đồ ăn để chọn miếng ngon mà ăn hoặc đơn giản là vì trẻ muốn làm vậy để phá phách. Việc bới tung đồ ăn như vậy là không lịch sự, làm cho dĩa thức ăn không còn đẹp mắt, thậm chí người khác không còn ăn ngon.
Do đó, bố mẹ nên dạy từ sớm cho trẻ cách ăn uống lịch sự, không nên bới tung đồ ăn để chọn miếng ngon.